NHÀ GIÁO QUỐC TẾ | CÔ SHARON MONTILLA

Cô Sharon Montilla là một nhà giáo quốc tế được nhiều học sinh khối tiểu học tại trường Quốc tế SNA Marianapolis yêu quý trong suốt nhiều năm qua. Trong 17 năm hành nghề, cô đã có dịp làm việc tại các quốc gia như Philippines, Indonesia và Việt Nam. Là một người học trọn đời, cô Sharon đã bắt đầu hành trình trồng người của mình với tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục Mầm non.

Vốn dĩ bản thân nghề dạy học đã là một nghề đặt ra những yêu cầu khắt khe, chưa kể đến việc dạy trẻ nhỏ còn là một con đường mà không mấy ai sẵn lòng lựa chọn. Đối với cô Sharon, giáo dục Mầm non đã đến với cô như một tiếng gọi của định mệnh ngay trong quãng thời gian cô thực tập tại trường đại học, đó là khi cô nhận ra và thấu hiểu được ý nghĩa và trách nhiệm của một nhà giáo.

 

Giai Đoạn Học Tập Quan Trọng

Cô Sharon Montilla

Cô Sharon chia sẻ: “Bản thân việc dạy học vốn là một nghề nghiệp làm thay đổi cuộc sống.” Tuy nhiên, là một giáo viên giảng dạy khối tiểu học, cô nắm giữ chiếc chìa khóa mở ra cánh cổng đi đến thành công trong tương lai của học sinh. “Phương hướng trong con đường giảng dạy của tôi xuất phát từ quan điểm rằng 5 năm đầu đời của trẻ được coi là giai đoạn vô cùng quan trọng.” Nghiên cứu trong giáo dục từ lâu đã xác nhận rằng những năm đầu đời của trẻ là thời điểm quan trọng nhất để phát triển não bộ đáng kể, đặc biệt là hình thành nên các đường dẫn thần kinh chịu trách nhiệm cho sự phát triển về mặt trí tuệ, cảm xúc và xã hội. Do đó, các biện pháp kích thích học tập lành mạnh trong những năm này chắc chắn sẽ giúp học sinh có sự chuẩn bị sẵn sàng trước những quy định khắt khe trong quá trình học tập sắp tới ở trường, những thách thức ở nơi làm việc cũng như đạt được những thành tựu lớn trong xã hội. [1]

Học sinh khối tiểu học đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhận thức và cảm xúc xã hội

 

Hành Trình Trở Thành Một Giáo Viên khối tiểu học Ưu Tú

“Được trao cho cơ hội đóng một vai trò có sức ảnh hưởng lớn trong giai đoạn quan trọng của học sinh là một điều vô cùng thách thức song cũng đem đến cho tôi một nguồn động lực không nhỏ trong việc chuyên môn hóa nghiệp vụ của mình. Tôi mong rằng có thể giúp nuôi dạy các em và tạo ra một môi trường toàn diện để các em phát triển niềm yêu thích đối với việc học tập.” Chỉ riêng sứ mệnh và tầm nhìn cá nhân này đã cho thấy cô Sharon có tố chất của một giáo viên khối tiểu học xuất sắc. Không dừng lại ở đó, có những phẩm chất khác cho thấy cô là một nhà giáo quốc tế đặc biệt hơn thế.

Cô Sharon đã thổ lộ rằng khả năng giao tiếp cá nhân hiệu quả cùng sự kiên nhẫn của cô dành cho các em học sinh đã phát huy được sự hữu ích trong rất nhiều tình huống. “Tôi cũng có một tâm hồn trẻ thơ và có thể nghĩ ra nhiều trò chơi khác nhau chỉ trong tích tắc, điều này rất có lợi trong việc tạo ra các hoạt động học tập hoặc các hoạt động giúp não bộ thư giãn để thu hút được sự tập trung của em học sinh.”

Cô Sharon giúp các em học sinh chuẩn bị cho việc trang trí Halloween
Cô Sharon đang xoa dịu một học sinh cảm thấy khó chịu trong giờ nghỉ ở sân chơi

Học Tập Thông Qua Vui Chơi

Khi nói về chủ đề sự tham gia và học tập của học sinh thông qua việc vui chơi, cô Sharon đã chỉ ra rằng có một ranh giới mỏng manh giữa việc chơi và việc học trong giáo dục trẻ nhỏ. “Suy cho cùng vui chơi vẫn là phương pháp học tập tốt nhất dành cho trẻ ở lứa tuổi này.” [2] Đó là lý do tại sao cô Sharon cũng như nhiều giáo viên tiểu học khác tại SNA Marianapolis thường lồng ghép việc học tập và các hoạt động vui chơi vào trong chương trình giảng dạy của mình. Đặc biệt, đối với học sinh khối tiểu học, các em được cân bằng giữa việc tham gia các hoạt động học tập, vui chơi ở trong lớp và việc tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời hàng ngày.

Học sinh khối tiểu học tận hưởng thời gian vui chơi ngoài trời khi ở trên trường
Là giáo viên khối tiểu học, cô Sharon luôn hướng đến việc tận dụng tối đa thời gian vui chơi để học sinh phát triển toàn diện

Lớp khối tiểu học, tương tự như bất kỳ lớp học nào khác tại SNA Marianapolis, tích hợp nhiều không gian để áp dụng phương pháp học tập thông qua vui chơi và đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các em học sinh. Lớp học có các trạm học tập dành cho các môn học chính như trạm Toán, trạm Khoa học, trạm văn học tiếng Anh, trạm truy vấn và trạm tập trung (thành vòng tròn) ở giữa lớp học.

Lấy cảm hứng từ cách bố trí lớp học theo phương pháp Reggio Emilia – Một phương pháp giáo dục dành cho trẻ nhỏ đến từ nước Ý, những trạm học tập này chính là không gian để các em học sinh có thể sáng tạo và khám phá, đồng thời vẫn đảm bảo được một môi trường học tập toàn diện. Ở mỗi trạm học tập đều có các tài liệu, dụng cụ học tập mà các em có thể chơi và học. Cô Sharon chia sẻ thêm: “Đối với người ngoài, điều đó có thể trông giống như một trò chơi đơn giản của trẻ con nhưng khi chúng ta phân tích sâu hơn, mỗi lĩnh vực đều có những món đồ chơi và các hoạt động tương ứng kích thích các khả năng nhận thức khác nhau ở trẻ”.

Ví dụ như trong lĩnh vực Khoa học, khi các em chơi với các món đồ chơi động vật. Lúc này, các em được tự do khám phá và cũng trong quá trình đó, các em xác định các loài động vật và phân loại chúng thành động vật trên cạn hoặc dưới biển. Ở lĩnh vực Toán học, tưởng chừng như đó chỉ là một trò chơi đơn giản mà trong đó các em xếp các khối gỗ chồng lên nhau, nhưng trên thực tế các em đang học cách so sánh chiều cao của từng khối tháp gỗ, luyện đếm và đôi khi thử nghiệm nhiều phương thức khác nhau để tạo ra một tòa tháp cao hơn sao cho hiệu quả mà không làm đổ các khối gỗ. Bên cạnh việc trau dồi các kỹ năng nhận thức, học sinh còn có cơ hội phát triển sức khỏe cảm xúc xã hội trong quá trình học về khái niệm sẻ chia, làm việc theo nhóm, v.v. khi chơi ở các trạm học tập.

Hai điều đáng chú ý trong lớp học của cô Sharon chính là Góc đọc sách và Góc tìm hiểu. Mục đích của Góc đọc sách là nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách, nhận thức đọc viết cùng kỹ năng cảm xúc xã hội của học sinh. Là một nhà giáo, cô Sharon tin vào tầm quan trọng của việc khuyến khích trẻ yêu thích sách ngay cả trước khi các em bắt đầu học đọc. Điều này nuôi dưỡng trong học sinh động lực học đọc thay vì cảm giác bị ép buộc. Các em cũng học cách bảo quản sách và có ý thức làm chủ đồ vật bằng cách thực hành xếp sách vào giá sách, sử dụng sách đúng cách và bảo quản sách.

Học sinh đọc và học tại khu vực Góc đọc sách

Mặt khác, Góc tìm hiểu lại là không gian để các em “phô bày” thành phẩm học tập của mình. Góc được chia thành ba khu vực – “Tôi thấy”, “Tôi nghĩ” và “Tôi thắc mắc”. Khu vực “Tôi thấy” là nơi các em cho thấy được những gì mình đã học được chẳng hạn như chữ cái học được trong tuần. Khu vực “Tôi nghĩ” cho thấy thành quả của những gì mà các em đã học được, ví dụ như một món đồ vật bắt đầu bằng chữ “A”. Khu vực “Tôi thắc mắc” là một khoảng không tự do để các em có những suy nghĩ sâu sắc hơn về bài học. Tại đây các em sẽ vẽ những món đồ vật mà các em nghĩ có liên quan đến những bài học mà mình đã học hoặc những điều mà các em muốn tìm hiểu thêm. Khu vực này góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện của học sinh.

Góc tìm hiểu

 

Bồi Dưỡng Xây Dựng Phẩm Chất Tốt

Như đã có chia sẻ qua, việc giảng dạy khối tiểu học không phải lúc nào cũng vui vẻ và xoay quanh các trò chơi. Cũng có những lúc không được thuận lợi tương tự như khi giảng dạy ở bất kỳ cấp lớp nào khác. Đối với cô Sharon, thách thức lớn nhất nằm ở việc giải quyết mọi nhu cầu phát triển của mỗi học sinh. Điều khiến cho khối tiểu học trở nên khác biệt so với các cấp lớp khác là “các kỹ năng cảm xúc xã hội của các em vừa mới bắt đầu phát triển” và điều đó đòi hỏi cô Sharon phải đưa việc xây dựng tính cách vào các hoạt động thường ngày trong lớp học trong suốt những năm đứng lớp của mình.

“Điều này bao gồm việc học cách tự lập thông qua thực hiện các công việc đơn giản như biết lấy đồ dùng trong lớp ở đâu và tự dọn dẹp” – cô nói, “Các em cũng được tham gia nhiều hoạt động phong phú khác nhau để phát triển sự tự tin thông qua việc dẫn dắt các bạn hát các bài hát trong khoảng thời gian tập trung.” Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, sau khi xây dựng nhân cách của học sinh, cô đảm bảo lớp học là một môi trường học tập an toàn để học sinh thoải mái thể hiện con người thực sự bên trong mình.

Học sinh khối tiểu học học tập trong một môi trường an toàn và yên tĩnh

 

Xây Dựng Tinh Thần Trách Nhiệm Và Khả Năng Làm Chủ Thông Qua Việc Thiết Lập Kỷ Luật

Việc xây dựng tính cách và thói quen cũng giúp học sinh trong lớp của cô Sharon xác định và thực hành kỷ luật ngay trong lớp học. Cũng giống như tầm quan trọng của việc khuyến khích học tập trong những năm đầu đời của học sinh, cô Sharon nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của việc thiết lập kỷ luật trong giai đoạn này vì đó là “khi các em bắt đầu hiểu các quy tắc và những hậu quả gây ra bởi chính hành động của mình”.

Một bước đột phá trong cách tiếp cận kỷ luật của cô là cho các em học sinh, ngay cả ở độ tuổi nhỏ như hiện tại, tham gia vào các quyết định khác nhau trong lớp học như đưa ra nội quy và lựa chọn các hoạt động bên trong hoặc bên ngoài lớp học. Theo cô Sharon, sự tham gia này mang đến cho các em những ý thức về trách nhiệm và quyền làm chủ. Cô nhận thấy điều này hiệu quả tốt hơn thay vì áp đặt các bộ quy tắc của riêng mình và lấn át đi tiếng nói, suy nghĩ của các em học sinh.

 

Người Đồng Nghiệp Cùng Chia Sẻ Chung Sứ Mệnh

Cô Kadie hỗ trợ quản lý lớp học trong tiết học nhảy

Cô Kadie, trợ giảng khối tiểu học trong suốt ba năm tại SNA Marianapolis, là người đồng hành phù hợp với cô Sharon trong công việc quản lý lớp học hàng ngày. Đối với cô Sharon, một người đã có kinh nghiệm giảng dạy các em học sinh nhỏ tuổi thì những công việc thường nhật sẽ được giảm bớt đáng kể nếu có sự hỗ trợ của trợ giảng. Cộng tác như một nhóm vững mạnh, cô Sharon và cô Kadie cố gắng phân chia công việc của nhau hiệu quả. Ví dụ, trong giờ học, cô Kadie sẽ là người quản lý hành vi của các em học sinh trong lớp để đảm bảo tiết học diễn ra suôn sẻ. Cô Sharon chia sẻ về sự may mắn khi được làm việc cùng với cô Kadie: “Hỗ trợ xếp hàng và giảng dạy từng học sinh là một trong số những công việc chỉ có thể trở nên dễ dàng hơn với sự trợ giúp của trợ giảng”.

Cô Kadie làm việc trực tiếp với học sinh trong hoạt động Halloween

Cuối cùng khi nhìn lại, một điều mà cô Sharon vô cùng lấy làm tự hào chính là sự đồng nhất trong tình yêu dành cho việc học tập của các em khối tiểu học. Mỗi ngày trôi qua thật nhẹ nhàng vì các em đều hào hứng học tập và phản hồi rất tốt. Việc giúp các em tập trung vào bài học không bao giờ là vấn đề đối với cô Sharon. Lứa học sinh hiện tại đều có kỹ năng ngôn ngữ tốt và các em thích thử thách khả năng sử dụng các kỹ năng giao tiếp của bản thân. Bằng cách nào đó, nhiệm vụ giảng dạy khối tiểu học trở nên bớt nhọc nhằn hơn và đem đến cảm giác đáng giá hơn nhờ có học sinh.

 

Nguồn tham khảo:

[1] Benefits of early childhood education – Tác giả: Fung Lan Yong, Tiến sĩ Triết học trường Cao đẳng & Đại học Jesselton, xuất bản năm 2022

The Sooner The Better: Early Childhood Education, A Key To Life-Long Success – Tác giả: Thomas Ehrlich and Ernestine Fu, xuất bản năm 2015 trên tạp chí Forbes

Benefits of Early Childhood Education – Xuất bản năm 2012 trên trang Resilienteducator.com 

 

[2]  Learning Through Play at School – A Framework for Policy and Practice – Tác giả: Parker R, Thomsen BS and Berry A, xuất bản năm 2022 trên trang www.frontiersin.org

 

Để biết thêm thông tin chi tiết về đội ngũ nhà giáo quốc tế và chương trình học, quý phụ huynh học sinh xin vui lòng liên hệ Tuyển sinh qua số Hotline 0932 083 886 hoặc để lại thông tin theo đơn dưới đây.

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN TUYỂN SINH




Độ tuổi:

Tin tức mới nhất