NHÀ GIÁO QUỐC TẾ | CÔ JESSICA NEWSOME

NHÀ GIÁO QUỐC TẾ | CÔ JESSICA NEWSOME

Cô Jessica là giáo viên dạy tiếng Anh với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các trường công lập Mỹ. Đây là lần đầu tiên cô mạo hiểm rời khỏi quê hương thân yêu và mang theo vốn kinh nghiệm giảng dạy phong phú của mình để khám phá, học hỏi phương pháp giáo dục quốc tế. Tại trường SNA Marianapolis, cô Jessica đang dạy bộ môn Văn học Anh cho các em học sinh khối lớp 6 và lớp 7. 

Giáo dục không thực sự là con đường sự nghiệp ban đầu mà cô Jessica đã lựa chọn cho bản thân. Chuyên ngành đại học của cô trước đây là Kinh doanh, và một bài tập được giao vào năm cuối đại học đã đưa cô đến với hoạt động tình nguyện là dạy các nguyên tắc trong kinh doanh cho các em học sinh địa phương. Nhiệm vụ này đã “đẩy thuyền” giúp cô có cơ hội được làm việc với các em học sinh trung học, cũng chính điều này đã trở thành một bước ngoặt đột phá trong sự nghiệp của cô. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục làm công tác tình nguyện cùng với các sinh viên ở những khu vực khác nhau như trong nhà thờ và trong cộng đồng của cô. Khoảng thời gian vui vẻ và ý nghĩa đó đã thuyết phục cô theo đuổi tấm bằng Thạc sĩ và nâng cao năng lực giảng dạy để chính thức đặt chân trên con đường sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”.  

Cô Jessica Newsome

Các Kỹ Năng Quan Trọng Trong Việc Học Ngữ Văn 

Chính niềm đam mê mãnh liệt dành cho việc đọc và viết đã dẫn đường đưa lối cô Jessica trong sự nghiệp. Tuy nhiên, cô nhận thấy việc học viết là một trong những thử thách lớn đối với các em học sinh, dẫu vậy cô thích giúp các em vượt qua được giới hạn đó và thể hiện được bản sắc cá nhân thông qua từng con chữ. Trong lớp của cô Jessica, tiếng Anh chính là chủ thể duy nhất trong tất cả các nội dung được dạy và học. Một điều khác mà cô cũng đang bồi dưỡng cho các em học sinh chính là thói quen phát biểu hoặc trình bày quan điểm. “Tôi sẽ luôn nói với các em rằng tiếng nói của các em là vô cùng quan trọng cũng như quan điểm của các em. Sẽ không có câu trả lời chuẩn xác. Những gì các em nghĩ, cảm nhận và mang đến cho tác phẩm văn học ý nghĩa hơn bất kỳ cách tiếp cận nào được cho là ‘đúng’.” 

Cô Jessica có được tư duy này là nhờ vào một vị giáo viên mà cô đã từng theo học: “Không có câu trả lời đúng hay sai, miễn là bạn có thể tự biện luận cho bản thân”. Theo đó, nếu một học sinh có quan điểm hơi khác so với mong đợi nhưng có thể tìm thấy luận chứng ủng hộ và tranh luận cho quan điểm đó, thì học sinh đó đang có một bước tiến vượt bậc và sẽ được cho điểm. Cô chia sẻ: “Suy cho cùng thì văn học cũng là một bộ môn nghệ thuật nên việc lắng nghe những góc nhìn khác nhau sẽ khiến môn học này trở nên thú vị hơn”. 

Cô Jessica trực tiếp hướng dẫn từng em học sinh trong một buổi làm bài tập kiểm tra kiến thức

Nhìn chung, cô Jessica đúc kết sự thành công của việc nghiên cứu văn học nhờ vào tư duy phân tích và phản biện. Đây là một quy trình phân tích điển hình mà lớp của cô sẽ trải qua mỗi khi các em tiếp cận một tác phẩm mới: “Chúng tôi sẽ đọc một đoạn văn và cố gắng giải quyết các câu hỏi như: 

  • Các em nghĩ gì về đoạn văn? 
  • Tác giả đang cố gắng biểu đạt điều gì? 
  • Các em có thể chứng minh điều đó như thế nào? 
  • Làm sao các em biết?” 

Vào thời điểm này trong năm học, học sinh của cô Jessica đang học một kỹ thuật phân tích mang tên “Điềm báo” (tiếng Anh: “Foreshadowing”) – là phương pháp sử dụng những điều các em đã biết để dự đoán diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Cô nhận thấy rằng các em học sinh có khả năng tìm ra manh mối từ đoạn văn và đưa ra những dự đoán chính xác nhưng lại không chắc chắn để biểu đạt điều đó. Điều này đòi hỏi cô Jessica phải hướng dẫn kỹ thuật này theo một phương thức khác so với khi cô giảng dạy tại Mỹ. 

Các tiết học của cô Jessica đều được phác thảo rõ ràng với nội dung học cụ thể cho từng ngày

Sự Thay Đổi Trong Trọng Tâm Giảng Dạy 

Một sự khác biệt rõ rệt giữa việc dạy học ở Mỹ và Việt Nam, theo quan sát của cô Jessica, đó chính là sự chú trọng vào việc học từ vựng cần thiết để diễn đạt suy nghĩ. Cô nhận thấy học sinh Việt Nam vẫn có khả năng tư duy sâu sắc và biện luận tốt trong văn học giống như học sinh Mỹ. “Điều các em cần được trợ giúp thêm là lối tư duy về những điều hoặc phương thức mà các em muốn diễn đạt bằng ngôn ngữ tiếng Anh học thuật.” Để thích ứng với sự thay đổi này, cô Jessica thường tìm cách lồng ghép việc dạy từ vựng vào các bài học của mình. 

Áp phích treo quanh lớp học cung cấp cho học sinh vốn từ vựng cần thiết để thảo luận và phân tích văn học

Cô thừa nhận rằng đây quả là một thử thách khá lớn đối với cô khi cô vẫn đang trong quá trình học tập để tìm hiểu những từ tiếng Anh mà các em đã biết và chưa biết. Trong quá trình này, cô Jaslene, trợ giảng của cô Jessica, là một “cánh tay” hỗ trợ đắc lực trong việc giúp các em hiểu các thuật ngữ văn học, đưa ra những sự lựa chọn từ ngữ thích hợp và chọn ra những đầu mối về ngữ cảnh. Một số điều quan trọng khác cũng được đặt ra về vấn đề thay đổi lối tư duy văn học và cách diễn đạt từ tiếng Việt sang tiếng Anh học thuật của các em học sinh. 

Trợ giảng, cô Jaslene hỗ trợ thêm cho các em học sinh trong giờ đọc

Mục Tiêu Giảng Dạy Xuất Phát Từ Sở Thích Cá Nhân  

Với cương vị là một giáo viên tiếng Anh, cô Jessica nhận thấy việc thổi ngọn lửa tình yêu đọc sách vào trong giảng dạy là một lẽ tự nhiên. Có một thực tế tất yếu là nhiều học sinh bị hấp dẫn bởi những đoạn clip ngắn trên TikTok nên cô Jessica quyết tâm tìm những mẩu truyện ngắn để thu hút sự quan tâm của các em dành cho việc đọc sách từng chút từng chút một. Đối với cô, nhiệm vụ này vừa là mục tiêu cá nhân, vừa là một sự thỏa nguyện khi cô biết các em có thể liên tưởng đến bài đọc hoặc háo hức tìm hiểu diễn biến của câu chuyện sau này sẽ như thế nào. 

Cô khiêm tốn chia sẻ hoạt động này đã thành công đối với hầu hết tất cả các em học sinh và đôi khi mới có trường hợp ngoại lệ. Một lần nữa, điều này đã thôi thúc cô thực hiện sứ mệnh tìm kiếm những tác phẩm văn học phù hợp với thị hiếu của các em học sinh cả về phương diện tinh thần lẫn cảm xúc cũng như tương thích với giai đoạn phát triển hiện tại của các em. 

Khung cảnh lớp 6.1 trong một buổi đọc tác phẩm văn học

Kinh Nghiệm Khiêm Tốn Của Một Giáo Viên Nước Ngoài 

Là một giáo viên lần đầu giảng dạy tại Việt Nam, cô Jessica không ngờ rằng sẽ học hỏi được nhiều điều từ học sinh của mình như bây giờ. “Khi tôi chia sẻ về nước Mỹ, các em thường đối chiếu những điều đó với những chuẩn mực ở Việt Nam. Tôi đến giảng dạy tại trường với cương vị được kỳ vọng là một giáo viên, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tôi cũng rất tận hưởng việc được là một học sinh, tìm hiểu về văn hóa, thói quen học tập và sở thích của người dân địa phương. Điều đó thật khiêm nhường nhưng lại theo một cách vô cùng tuyệt vời.” 

Sự tương tác giữa học sinh và giáo viên đóng vai trò quan trọng trong các tiết học của cô Jessica
Giảng dạy là một quá trình “cho và nhận” đối với cô Jessica
Cô Jessica tôn vinh và trưng bày các tác phẩm của học sinh trên bảng thông báo

Thật tuyệt vời khi thấy các em học sinh chủ động giới thiệu văn hóa trong nước với giáo viên nước ngoài vì điều đó không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách văn hóa và phát triển mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh mà còn hỗ trợ rất nhiều cho việc giáo viên ngoại quốc hòa nhập tại một đất nước mới. Và cứ như thế, kinh nghiệm giảng dạy của cô Jessica tại Việt Nam đã đem đến một sự tương tác hai chiều, là tạo ảnh hưởng và bị ảnh hưởng. 

Để biết thêm thông tin chi tiết về đội ngũ nhà giáo quốc tế và chương trình học, quý phụ huynh học sinh xin vui lòng liên hệ Tuyển sinh qua số Hotline 0932 083 886 hoặc để lại thông tin theo đơn dưới đây.

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN TUYỂN SINH




Độ tuổi:

Tin tức mới nhất