TRẠM HỌC TẬP – Tác giả Joe Cloutier, Hiệu trưởng trường Quốc tế SNA Marianapolis
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về cách mà tôi ứng dụng các trạm học tập (Learning Centers) trong quá trình dạy học trước đây cũng như cách tôi hướng dẫn các giáo viên sử dụng phương pháp này trong lớp học của họ. Triết lý và phong cách giảng dạy cá nhân của tôi đề cao việc thiết lập các trạm học tập trong mọi trường học và ở mọi cấp lớp.
Các trạm học tập có thể được áp dụng trong bất kỳ lớp học nào và cho gần như bất kỳ môn học nào. Tại trường Quốc tế SNA Marianapolis, chúng tôi khuyến khích việc sử dụng các trạm học tập trong suốt một ngày dài trên lớp. Tập trung vào việc tận dụng không gian học tập một cách sáng tạo là yếu tố quan trọng đối với các trạm học tập (theo Hue & Li, 2008). Lợi thế của SNA Marianapolis là trường có rất nhiều khu vực ngoài trời có thể được sử dụng để mở rộng không gian học tập trong lớp học xuyên suốt hầu hết cả năm học, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Khi thiết lập các trạm học tập, giáo viên dành thời gian để phân chia từng giai đoạn hoạt động cho từng khu vực thay vì bắt đầu cùng một lúc. Cách tiếp cận này giúp học sinh hiểu làm sao để tham gia trạm học tập một cách hiệu quả. Với những học sinh nhỏ tuổi nhất ở cấp tiểu học, các trạm học tập đầu tiên sẽ là các góc trò chơi và giúp các em hiểu thêm về quá trình di chuyển giữa các trạm học tập khác nhau.
Chúng tôi bắt đầu với một số trạm học tập đầu tiên và dần dần bổ sung thêm. Thông thường, với phương pháp này, vào cuối nửa đầu năm học đầu tiên, chúng tôi có thể có đến mười khu vực học tập diễn ra cùng một lúc. Tôi thường nghiêng về việc có nhiều trạm học tập hơn là chỉ vừa đủ, vì điều này cho phép có các khu vực học tập chuyên biệt như các trạm nghỉ ngơi/yên tĩnh cho những em có nhu cầu; trạm giảng dạy phục vụ cho từng cá nhân và làm việc theo nhóm nhỏ; trạm theo dõi việc học của học sinh từ khu vực giảng dạy; trạm học tập độc lập để nâng cao sự hứng thú, v.v. Khi đã chuyển các em đến khu vực hoạt động tiếp theo hoặc khi không có học sinh tìm đến giáo viên ở góc giảng dạy, giáo viên thường di chuyển xung quanh lớp học.
Khi học sinh trở nên độc lập hơn, chúng tôi có thể để các em tự chọn trạm học tập cho riêng mình. Mỗi góc đều sẽ có những hướng dẫn khác nhau cho phép các em học sinh với những khả năng khác nhau tham gia cùng chung một trạm học tập. Sự phân chia này cho phép các em có sự lựa chọn và biết cách để gặt hái được thành công. Thông thường, học sinh phải hoàn thành tất cả các trạm học tập (hoặc một số lượng nhất định). Một chiếc đồng hồ hẹn giờ sẽ được kích hoạt để giúp các em biết khi nào nên chuyển sang trạm học tập tiếp theo. Trông có vẻ phức tạp nhưng thực chất, đối với tôi, bí quyết để thành công áp dụng các trạm học tập chính là có sự tổ chức. Giáo viên sắp xếp bố trí lớp học phù hợp với các hoạt động, đồng thời tổ chức hệ thống này sao cho học sinh có thể biết được sẽ tham gia trạm học tập nào tiếp theo và góc nào các em đã ghé thăm rồi. Các em sẽ cùng nhau xem xét lại quá trình này mỗi ngày trước khi bắt đầu tham gia các trạm học tập.
Khi giáo viên thiết lập các trạm học tập, họ luôn lưu ý đến các mục tiêu học tập và cách chúng phù hợp hoặc củng cố những điều đang được giảng dạy trong bài học hoặc lĩnh vực môn học. Họ sẽ cố gắng thiết lập nhiều trạm học tập khác nhau. Theo Johnson và cộng sự của ông, “một yếu tố khác cần xem xét trong cách thức tổ chức các nhóm học tập trong một lớp học là sự hiểu biết của bản thân về phong cách học yêu thích của trẻ trong bất kỳ môn học cụ thể nào” (theo Johnson et al., 2007). Tuy nhiên, điều chúng ta thực sự cần xem xét ở đây là miền nhận thức, tình cảm hoặc việc học liên quan đến thể chất khi tạo ra các trạm học tập để đạt được chiều sâu trong cả tư duy lẫn việc học. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ chú ý đến cách học sinh suy nghĩ, cảm nhận và những phản ứng có tác động đến sự phát triển của các em.
Các trạm học tập giúp tạo ra một môi trường học tích cực bằng cách củng cố việc trao cho học sinh cơ hội được nói, được lựa chọn và được làm chủ quá trình học tập của mình. Học sinh thành công trong học tập vì phương pháp này cho phép các em có thêm thời gian để giao tiếp và làm việc cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ. Học sinh cần có trách nhiệm và đáp ứng được kỳ vọng được đặt ra. Việc quản lý hành vi cũng trở nên dễ dàng hơn vì học sinh cảm thấy thích thú, tham gia vào quá trình học tập và bên cạnh đó, hành vi mất tập trung thường được khắc phục bằng những lời khuyên bảo nhỏ, những giao tiếp bằng mắt của giáo viên hoặc sự nhắc nhở từ bạn bè trong lớp.
Tài liệu tham khảo:
Quản lý lớp học: Tạo ra một môi trường học tập tích cực. Nhà xuất bản Đại học Hong Kong – Hue, M., & Wai-shing, L. (2008).
Phát triển kỹ năng giảng dạy trong trường tiểu học – Johnson, J., Halocha, J. & Charter, M. (2007).
Trường Quốc Tế SNA Marianapolis – Biên Hòa
- Địa chỉ: 397, đường 30/4, Phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
- Website: https://snamarianapolis.edu.vn/
- Hotline: 0932 083 886
- Email: info@snamarianapolis.edu.vn