Việt Nam là quốc gia thứ 6 mà thầy Emil Waldhauser lựa chọn đặt chân và tạo dấu ấn mới trong sự nghiệp giảng dạy của mình sau 20 năm sinh sống và làm việc tại các quốc gia như Cộng hòa Séc, các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Hàn Quốc, Băng-la-đét và Trung Quốc. Thầy Emil đã có kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm giảng dạy bộ môn Tiếng Anh cấp Tiểu học và giáo viên bộ môn Tiếng Anh cùng bộ môn Công nghệ cấp Trung học. Sự linh hoạt của thầy còn được thể hiện qua rất nhiều chương trình mà thầy đã giảng dạy, từ chương trình Anh, Úc, chương trình Tú tài IB cho đến chương trình Tú tài Mỹ tại trường Quốc tế SNA Marianapolis, nơi mà thầy hiện đang là giáo viên chủ nhiệm của khối lớp 3. Với trình độ chuyên môn cao và niềm đam mê dành cho công nghệ, thầy Emil hiện cũng đang phụ trách câu lạc bộ “Lập trình cơ bản” dành cho học sinh khối tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5.
Chúng ta thường bắt gặp thầy Emil dẫn dắt học sinh của mình di chuyển thành một hàng hướng về nhà ăn hoặc về câu lạc bộ của họ. Cũng chính điều này đã tạo nên nét ấn tượng đặc trưng, sâu sắc nhất về lớp học của thầy – Kỷ Luật và Ý Thức.
Nề nếp là chiến lược quản lý lớp học
Khi được hỏi bí quyết quản lý lớp học của mình là gì, thầy Emil đã chia sẻ rằng thầy không thực sự có bí quyết nào cả. Thầy chỉ đơn giản là học được kinh nghiệm từ những người thầy người cô đi trước của mình rằng học sinh cần phải tuân thủ một số nề nếp nhất định. Vì vậy, thầy luôn đảm bảo việc chia sẻ các quy trình rõ ràng cũng như những kỳ vọng của bản thân đối với các em học sinh trong suốt một ngày học tập trên lớp.
Thầy đưa tay chỉ vào những tờ bài tập được xếp ngay ngắn trên bàn của từng học sinh. “Ngày mai khi bước vào lớp, các em đã biết rằng sẽ có hoạt động âm nhạc cùng một màn khởi động đang chờ mình. Những hoạt động này dựa trên những kiến thức mà các em đã học được từ bài giảng trước đó hoặc của tuần trước. Sự lặp đi lặp lại của các thói quen sinh hoạt trong lớp học giúp các em sẵn sàng cho việc học diễn ra ở mọi lúc. Nhiệm vụ của tôi là bám sát và từ từ dẫn dắt các em đi vào trật tự và kỷ luật.”
Có thể nói rằng các quy tắc và thói quen nề nếp chính là những nhân tố cốt lõi cấu thành nên lớp học đặc biệt của thầy Emil, nhưng những điều đó lại không khiến cho lớp học của thầy trở nên cứng nhắc và độc tài. Đôi khi tiến độ lớp học có thể không diễn ra như mong đợi do tâm lý căng thẳng và trạng thái mất tập trung của các em học sinh, tuy nhiên thầy Emil vẫn rất nỗ lực để theo sát và phản ứng linh hoạt với các “kết quả chưa như ý” này.
Thói Quen Tư Duy
Rèn giũa kỷ luật như trên tích hợp cùng việc rèn luyện 16 thói quen tư duy vào bài giảng của thầy, sẽ bồi đắp cho sự trật tự và nề nếp trong lớp học. Đối với thầy Emil, tất cả 16 thói quen này đều cần thiết như nhau cho sự thành công trong tương lai của học sinh, nhưng có 3 ý chính luôn được thực hành và nhấn mạnh trong lớp học của thầy.
“Bám Sát Mục Tiêu” – Một thói quen giúp học sinh rèn luyện khả năng tập trung vào một nhiệm vụ và kiên trì hoàn thành nó. Đây là một kỹ năng quan trọng mà thầy Emil hiểu rõ rằng học sinh của mình chưa thành công nhưng vẫn không ngừng nỗ lực mỗi ngày. Thói quen này được thực hành song song với thói quen tiếp theo sau đây.
“Kiểm Soát Tính Bốc Đồng” – Một thói quen đòi hỏi học sinh phải dành ra thời gian và giữ bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và thận trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình thay vì vội vàng đưa ra kết luận. Theo thầy Emil, đây là một trong những thói quen khó khăn và phức tạp nhất mà ngay cả người lớn cũng khó thành thạo. Cách thầy kết hợp thói quen này vào việc giảng dạy của mình là biến nó thành một lời nhắc nhở thường xuyên. Khi một học sinh thiếu sự kiên nhẫn, thầy sẽ từ tốn giải thích với các em: “Điều này xảy ra là do em đã không kiểm soát được sự bốc đồng của mình”. Do đó, việc chậm lại một nhịp để suy nghĩ trước khi hành động đã “thấm nhuần” vào từng nhiệm vụ yêu cầu phải đưa ra quyết định.
“Lắng Nghe Và Thấu Hiểu Để Đồng Cảm” – Thói quen này thúc đẩy sự thấu hiểu và quan tâm đến suy nghĩ cũng như ý tưởng của người khác thông qua các cuộc trò chuyện và tương tác với nhau. Thầy Emil quan tâm đến việc học sinh có thực sự chú ý lắng nghe hay không, “Trong thời kỳ hậu Covid, khoảng thời gian học sinh tập trung chú ý đã bị rút ngắn rất nhiều. TikTok không hề hữu ích. Bây giờ mọi video dưới 2 phút đã trở nên quá dài đối với học sinh.” Vấn đề lớn này cần phải được giải quyết bằng cách “kiểm soát sự bốc đồng” trước khi học sinh có thể thực sự đồng cảm thông qua việc lắng nghe, điều này sẽ là một lợi thế lớn không chỉ cho sự thành công trong học tập mà còn cho sự giao tiếp trong xã hội của các em.
Trong số 13 thói quen còn lại, thầy Emil đảm bảo tập trung vào:
- “Áp Dụng Kiến Thức đã học vào Thực Tế” – Thói quen này quan trọng vì học sinh luôn cần chuyển hóa những kiến thức của mình vào các tình huống thực tế khác nhau.
- “Luôn Cố Gắng Chính Xác” – Luôn luôn dành thời gian suy nghĩ và nhìn lại để đạt được độ chính xác và hiệu quả cao.
- “Suy Nghĩ Cộng Hưởng” – Đây là một kỹ năng cần có để học sinh làm việc theo nhóm. Khi làm việc nhóm thì các em cần học cách tự đảm nhận, phân bổ và chịu trách nhiệm cho phần công việc của mình.
- “Suy Xét Những Suy Nghĩ Của Bản Thân” – Thói quen này rèn luyện học sinh “quan sát” suy nghĩ của chính bản thân và có sự suy xét kĩ lưỡng để luôn có lí do và lập luận hợp lý cho các quyết định của các em. Đây là một kỹ năng đặc biệt nâng cao, thường được kỳ vọng nhìn thấy ở học sinh trung học. Đối với thầy Emil, điều đó có lợi hơn là có hại đối với các em học sinh nhỏ tuổi khối lớp 3 nếu các em đang từng bước thực hiện để đạt được kỹ năng cao cấp này.
- “Niềm Vui Trong Mọi Việc” – Đây là một thói quen tốt mà thầy Emil rất tận hưởng và cũng là điều đã giúp thầy trở thành một nhà giáo tích cực, hài hước nổi bật giữa cộng đồng học sinh và giáo viên. Mặc dù điều hành lớp học của mình với sự kỷ luật và các thói quen nghiêm ngặt, nhưng thầy Emil vẫn dành nhiều thời gian để khám phá và tận hưởng những điều tốt đẹp của thế giới này. Tư duy tích cực này nuôi dưỡng mối liên kết tinh thần và cảm xúc của học sinh dành cho kiến thức cũng như sự tương tác xã hội của các em với bạn bè và giáo viên.
Sự Cộng Tác Giữa Các Giáo Viên
Sự hài hước và tích cực cũng nhấn mạnh mối quan hệ công việc giữa thầy Emil và cô Tess – trợ lý giảng dạy của thầy. Họ vượt qua sự khác biệt lớn về văn hóa và tuổi tác, đồng thời học cách cộng tác với sự tôn trọng công việc của nhau. Sự khác biệt của họ thực sự bù đắp cho nhau. Thầy Emil hết lời khen ngợi cô Tess với tư cách là một cộng sự giảng dạy hữu ích. “Cô ấy đảm bảo học sinh nắm bắt đầy đủ kiến thức và tạo động lực cho cả lớp bằng ‘năng lượng thu hút và tích cực’ của cô ấy mỗi khi tôi kiệt sức.” Một thành viên không thể thiếu khác của nhóm giáo viên khối lớp 3 là cô Kyra, giáo viên hỗ trợ giảng dạy chương trình EAL dành cho lớp 3. Cái nhìn sâu sắc của cô Kyra về bài tập trên lớp và thái độ chuyên nghiệp tuyệt vời giúp tập trung vào những điều cần được cải thiện và tạo điều kiện tốt hơn.
Thầy tóm gọn cách thức làm việc với các cộng sự của mình bằng 2 chữ là “chủ động”, và nói thêm rằng: “Mặc dù chúng tôi có những điểm tương phản, nhưng chúng tôi biết tại sao chúng tôi lại ở đây – là để giúp đỡ các em học sinh. Đó chính là điều duy nhất khiến giáo viên không ngừng nỗ lực.”
Trên hết, chấp nhận thất bại là điều khiến thầy và những cộng sự giảng dạy trở nên mạnh mẽ hơn. “Khi chúng tôi thất bại, chúng tôi nói về điều đó thay vì tự dằn vặt bản thân”, thầy giải thích thêm rằng hãy cố gắng chủ động và phản ứng nhanh bằng cách học hỏi từ thất bại. Trên thực tế, sự sẵn sàng học hỏi của thầy Emil còn mở rộng hơn thế nữa trong cả cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân của thầy.
Người Học Trọn Đời
Khi được hỏi điều yêu thích nhất của thầy về cuộc sống nhà giáo hiện tại của mình là gì, thầy đã vui vẻ trả lời: “Tôi luôn muốn học được điều gì đó mới mẻ, đặc biệt là các phương pháp giảng dạy mới để phù hợp với môi trường học tập tại nơi đây.”
Những Thói quen Tư duy là một bộ công cụ hữu ích hỗ trợ thầy trong quá trình học tập không ngừng này. Song song đó, thầy liên tục tối ưu thói quen giảng dạy của mình theo cách tự nhiên và có ý nghĩa thay vì truyền tải chương trình học một cách gượng ép và máy móc. “Việc nhìn thấy bất kỳ học sinh nào rèn luyện được Thói quen Tư duy khiến tôi cảm thấy tự hào vì điều đó sẽ củng cố thành thói quen cốt lõi trong suốt quãng đời còn lại của các em. Sau đó, các em có thể lan truyền thói quen này đến cộng đồng quanh mình và giúp đỡ những người khác thông qua công việc của các em.”
Thầy Emil tự hào chia sẻ một Thói quen Tư duy mà thầy rất tâm niệm – “Luôn Cởi Mở để Không Ngừng Học Hỏi. Tôi là một người học trọn đời. Tôi sẽ luôn không ngừng nỗ lực hết mình để học hỏi”, thầy giải thích.
Và cũng từ đó, cuối cùng nhà trường cũng đã tìm ra bí quyết giảng dạy của thầy Emil. Đó chính là luôn học hỏi và áp dụng những ý tưởng – phương thức giảng dạy mới, từ đó đã khơi dậy niềm vui và cảm hứng để thầy có thể trở thành một nhà giáo quốc tế nhiệt tình và tận tâm trong suốt những năm vừa qua.
Để biết thêm thông tin chi tiết về đội ngũ giáo viên và chương trình học, quý phụ huynh học sinh xin vui lòng liên hệ Tuyển sinh qua số Hotline 0932 083 886 hoặc lưu lại thông tin theo đường dẫn sau: https://snamarianapolis.edu.vn/register-for-consultations/