“Khác Biệt Có Thể Chính Là Điều Đặc Biệt Nhất”
Khi thực hiện các bài tập dự án thú vị, các em học sinh lớp Khoa học của cô Joanne không chỉ được chọn phương hướng nghiên cứu mà bản thân cảm thấy hứng thú, các em còn được giao các bài tập phù hợp với năng lực của mình. Có thể thấy rõ điều này trong hầu hết các bài tập theo dự án hay các dạng bài tập khác của cô Joanne vì cô là người yêu thích sự khác biệt. “Tôi nghĩ đối với bất kỳ học sinh nào, sự khác biệt trong học tập có lẽ là điều quan trọng nhất vì khả năng tiếp thu của các em là không giống nhau. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào những em học sinh có năng lực trung bình thì những em học sinh giỏi sẽ dần cảm thấy chán nản và mất hứng thú trong khi những em học sinh yếu hơn thì không theo kịp hay có sự tiến bộ”, cô giải thích lý do cho việc áp dụng phương thức giảng dạy khác biệt của mình.
Với phương thức giảng dạy này, cô Joanne chủ yếu phân tách về mặt thông tin. Ví dụ, các từ vựng có liên quan đến chủ đề học, được cô nhấn mạnh là có vai trò tiên quyết để hiểu các khái niệm khoa học, sẽ được giảng cho các em trước nội dung chính của bài học. Trong khi những em học sinh có năng lực yếu sẽ chỉ được yêu cầu khả năng đọc hiểu các khái niệm bằng tiếng Việt, thì những em học sinh có thành tích cao sẽ được bổ sung thêm từ vựng mới và được kỳ vọng là có thể sử dụng chúng. Cô Joanne cũng phân loại theo mức độ sẵn sàng của học sinh khi sử dụng phương pháp Scaffolding (tạm dịch: Phương pháp “Bắc giàn giáo”), mà theo đó, cô sẽ cho học sinh thấy được chính xác mức độ kiến thức và kỹ năng mà các em cần lĩnh hội được cũng như các bước cần thiết để đạt được điều đó. Quá trình đánh giá của học sinh cũng được phân biệt thông qua các kết quả gặt hái được (bài kiểm tra trên giấy; sản phẩm kỹ thuật số; bài tập trình chiếu; bài tập thuyết trình, v.v.) và cũng dựa trên sự quan tâm, hứng thú của học sinh. Cô Joanne cũng linh hoạt trong việc đưa ra các hình thức kiểm tra khác nhau. Đôi khi, cô có thể dễ dàng tạo ra chỉ với một trò chơi Kahoot nhưng có ba phiên bản khác nhau dành cho ba cấp độ học sinh.
“Tôi Áp Dụng Các Phương Thức Giảng Dạy Khác Nhau”
Để hỗ trợ phương thức giảng dạy khác biệt, cô Joanne sử dụng nhiều cách thức và công cụ học thuật. Cô tạo sơ đồ chỗ ngồi cho mỗi lớp mà mình giảng dạy để qua đó thấy được sự hòa hợp giữa các em học sinh ở nhiều trình độ khác nhau. Vai trò của các thành viên trong nhóm có thể thay đổi luân phiên tùy theo yêu cầu của bài tập, dù là câu hỏi đố vui hay bấm chuông trả lời nhanh.
Điều khiến cho một trong các bức tường lớp học của cô trở nên đặc biệt chính là “Word Wall” (tạm dịch: “Bức tường ngôn ngữ”) với các bức tranh miêu tả thuật ngữ và các khái niệm khoa học quan trọng.
Cô Joanne có đề cập đến việc “đặt câu hỏi theo trình độ” như một kỹ thuật mà cô vẫn thường sử dụng. Loại câu hỏi yêu thích nhất của cô ấy để hỏi các em học sinh có thành tích cao là “Tại sao?”, điều này yêu cầu các em phải giải thích câu trả lời và lý luận của mình. Trong khi đó, những em học sinh có năng lực yếu hơn sẽ nhận được những câu hỏi cơ bản và cụ thể hơn như “Cái gì?” và “Khi nào?”
Chúng ta cũng sẽ bắt gặp hình ảnh làm việc theo cặp và theo nhóm trong lớp học của cô Joanne bởi vì đối với cô: “Sự cộng tác trong học tập là vô cùng quan trọng. Các em phải học cách làm việc theo nhóm vì suy cho cùng các em cũng sẽ phải cộng tác với một ai đó ở bậc học cao hơn hoặc trong sự nghiệp tương lai sau này.” Tuy vậy, lớp học của cô luôn dành ra khoảng trống cho các hoạt động cá nhân bên cạnh việc thúc đẩy tinh thần đội nhóm. Suy nghĩ – Cộng tác – Chia sẻ (Phương thức mà trong đó học sinh tự suy nghĩ và thực hiện công việc của mình trước, sau đó mới thảo luận với bạn cùng lớp và cuối cùng là chia sẻ trước cả lớp hoặc một nhóm đông người) là một phương pháp mà cô thường sử dụng.
“Em Muốn Thay Đổi Như Thế Nào?”
Sau mỗi bài học, cô Joanne sẽ dành thời gian để suy ngẫm về bài giảng của mình. “Tôi có thể nhận ra được điều gì có hiệu quả và điều gì không đối với từng bài giảng của mình.” Cô luôn hoan nghênh sự phản hồi của các em học sinh về bài học, “Thông thường, học sinh sẽ nói với tôi, ‘Em không thực sự thích điều đó.’ Tôi sẽ trả lời các em bằng cách hỏi ngược lại, ‘Em thích được làm điều gì hơn?’ và ‘Em muốn thay đổi như thế nào?” Đối với cô Joanne, dạy và học là một quá trình cộng tác giữa giáo viên và học sinh.
Những suy nghĩ phản chiếu cùng sự cởi mở đối với việc phản hồi như vậy cho phép cô sửa đổi và nâng cấp các kế hoạch cho bài học của mình, một quá trình mà cô mô tả rằng “có thể không hữu ích cho bài học trước đó nhưng chắc chắn sẽ giúp việc lập kế hoạch cho bài học tiếp theo của cô.”
“Nếu Các Em Có Thể Đặc Biệt, Hãy Đặc Biệt Nhất Có Thể”
Mặc dù điều chỉnh bài giảng theo năng lực của học sinh, cô Joanne không giới hạn học sinh của mình trong phạm vi cố định. Cô cho những học sinh có học lực yếu và trung bình sự tự do để thử sức với các bài tập nâng cao, trong khi những học sinh có học lực tốt bắt buộc phải hoàn thành bài tập nâng cao được giao. Thiết lập mục tiêu cao đảm bảo rằng mọi học sinh sẽ không ngừng tiến bộ.
Sau một học kỳ áp dụng phương pháp giảng dạy khác biệt này, cô Joanne đã chứng kiến sự trưởng thành của các em học sinh. Những học sinh có học lực yếu giờ đây đã có thể học theo chương trình giảng dạy thông thường, với sự cải thiện rõ ràng trong điểm kiểm tra của các em. “Tuy sự tiến bộ của các em có thể không lớn, nhưng điều đó lại có tác động không hề nhỏ đối với các em. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải công nhận sự nỗ lực của học sinh.”
Đồng thời, học sinh giỏi hoặc học sinh quốc tế cũng phải nỗ lực hết mình trong học tập thay vì dễ dàng đạt điểm A trong các bài kiểm tra. “Nếu các em có thể, hãy trở thành những người tuyệt vời”, cô Joanne chia sẻ điều này đến các em học sinh ở mọi lực học để khích lệ các em vươn lên và trân trọng những thành quả mà bản thân gặt hái được.
“Hiểu Sai Cũng Không Sao Cả, Miễn Là Rút Ra Được Bài Học“
Sự cải thiện cũng có thể được nhận thấy ở khía cạnh tinh thần và cảm xúc của học sinh. “Vào đầu năm học, học sinh của tôi rất ngại đứng lên phát biểu hoặc trả lời câu hỏi trước lớp. Giờ đây, các em đã biết nhiệm vụ của bản thân là gì khi làm việc độc lập cũng như làm việc theo nhóm, các em đã tự tin hơn trước đây rất nhiều.” Ngoài ra, cô Joanne luôn khuyến khích lối tư duy tích cực, cô luôn nói với học sinh của mình rằng: “Các em hiểu sai cũng không sao cả, miễn là rút ra được bài học”. Cô thậm chí còn tận dụng những sai lầm này để học sinh trong cùng một lớp học giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra một môi trường học tập cộng tác cho tất cả các thành viên. Học sinh của cô giờ đây đã phấn đấu hơn trong việc trả lời hoặc nói chuyện mà không sợ xấu hổ khi nhận được sự ủng hộ của các bạn trong lớp.
Sự khác biệt, các bài tập theo dự án, cùng với các biện pháp củng cố tích cực sẽ giúp xây dựng sự tự tin và hứng thú của học sinh xét về mặt lâu dài, đồng thời thúc đẩy tình bạn giữa các em học sinh cũng như mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh trong lớp học của cô Joanne. Tất cả những điều này đã làm cho lớp học của cô trở thành một trong những lớp học được “mong đợi” nhất đối với tất cả các em học sinh cấp hai tại Trường Quốc tế SNA Marianapolis.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình học, quý phụ huynh học sinh xin vui lòng liên hệ Tuyển sinh qua số Hotline 0932 083 886 hoặc lưu lại thông tin theo đường dẫn sau: https://snamarianapolis.edu.vn/register-for-consultations/