NHÀ GIÁO QUỐC TẾ | CÔ CATALINA SAMOY BARTE – “ĐIỀU DUY NHẤT TRƯỜNG TỒN TRONG CUỘC SỐNG LÀ SỰ THAY ĐỔI”
Cô Catalina Samoy Barte là giáo viên thư viện của nhà trường và đồng thời cũng là người quản lý đứng sau cả 2 thư viện dành cho học sinh Tiểu học và học sinh Trung học tại SNA Marianapolis. Sở hữu kho tàng tri thức phong phú cùng vốn kinh nghiệm làm việc lâu năm khi hành nghề thủ thư tại Philippines, cô Catalina luôn nỗ lực hết mình để khiến tất cả học sinh hứng thú với việc đọc sách và học hỏi nhiều hơn.
Ngọn Lửa Đam Mê Bùng Cháy Và Bất Diệt
Công việc thủ thư đến với cô Catalina vô cùng tự nhiên. Trên thực tế, công việc này bắt nguồn từ gia đình cô, khởi đầu từ việc mẹ cô là giáo viên người Philippines, cha cô là giáo viên âm nhạc và dì của cô là thủ thư. Khi còn học cấp hai, cô đã có dịp đọc cuốn truyện Cổ tích của nhà văn Hans Christian Andersen, do dì của cô tặng. Cũng chính thời khắc mê hoặc đó đã thay đổi cuộc đời của cô mãi mãi. Cô háo hức mang cuốn sách đến tham gia hoạt động “Dear Time” trong lớp Văn học Anh của mình, hoạt động này yêu cầu các học sinh không xao nhãng và thực sự tập trung vào việc đọc. Đó cũng là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với cô và các bạn cùng lớp vì với sự nghiêm khắc của chương trình trung học, họ đã phải hy sinh niềm vui đọc sách cho việc đọc tài liệu và học tập. Đó cũng chính là lúc tình yêu dành cho sách trong cô bùng cháy và kéo dài mãi cho đến tận bây giờ.
“Mọi thứ đều bắt đầu từ việc đọc sách”
Giờ đây, với vai trò là giáo viên thư viện của trường, cô Catalina tận dụng mọi cơ hội để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách trong mỗi học sinh. “Mọi thứ đều bắt đầu từ việc đọc. Khi bạn là một độc giả, bạn sẽ trở thành một người học độc lập và là một người công dân toàn cầu được trao quyền. Việc đọc sách cho phép bạn tiếp thu thêm kiến thức, và từ đó, đem đến nhiều sự lựa chọn hơn.”
Cô tiếp tục chia sẻ cách thức mà cô thực hiện: “Đầu tiên, chúng tôi cung cấp cho các em nhiều loại tài liệu khác nhau, đa dạng về thể loại, nội dung và cả phương tiện. Thứ hai, chúng tôi đảm bảo các tài liệu được cung cấp trải rộng trên nhiều lĩnh vực đang được quan tâm để bất kỳ điều gì thu hút sự quan tâm của giới trẻ hiện nay đều có thể tìm thấy trong thư viện của chúng tôi. Thứ ba, học sinh nên được khuyến khích đọc sách ở nhà nhiều như là khi ở trường. Tôi hy vọng các vị phụ huynh có thể đọc sách cho con của họ nghe hoặc đọc sách cùng con. Việc đọc không nên bị giới hạn trong khu vực lớp học hoặc thư viện.”
Tại SNA Marianapolis, việc đọc sách được khuyến khích đối với học sinh Tiểu học – lứa tuổi vàng để hình thành, nuôi dưỡng cho trẻ những thói quen tốt. Trong chương trình giảng dạy của khối Tiểu học có dành riêng một khoảng thời gian mỗi tuần cho việc đọc sách trong thư viện, với mục đích dạy cho học sinh cách mượn sách trong thư viện sao cho đúng quy chuẩn và tối ưu cũng như mở rộng các kỹ năng giao tiếp, xã hội của các em. Những giờ tự học tại thư viện này cũng tương thích với các mục tiêu học tập của nhà trường, đó chính là tôi luyện các em trở thành những người có tư duy phản biện, sở dĩ thông qua đó để gặt hái được các kỹ năng tư duy bậc cao ngay từ khi còn nhỏ.
Một phương pháp khác được đội ngũ giáo viên thư viện và khối học vụ Tiểu học áp dụng đó chính là Raz Kids, một nền tảng với hàng nghìn đầu sách phủ rộng ở nhiều lĩnh vực nội dung phong phú, phục vụ cho các cấp độ đọc khác nhau từ Lớp Mẫu giáo cho đến Lớp 5. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ lựa chọn và đưa cho các em những mẩu chuyện cần đọc và hoàn thành, cả ở trên lớp lẫn khi về nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cứ sau vài tháng, đội ngũ giáo viên thư viện sẽ kiểm đếm lại các thông số dữ liệu có trong Raz Kids và tuyên dương những học sinh có thành tích đọc sách tốt nhất. Sự cạnh tranh nho nhỏ này thúc đẩy học sinh hình thành thói quen đọc sách thường xuyên và có mục tiêu, biến nó trở thành một phần trong quá trình học tập của các em.
Phá Vỡ Định Kiến Về Một Thư Viện Nhàm Chán
Đội ngũ giáo viên thư viện gồm có cô Catalina và các trợ lý thư viện – cô Nhi và cô Nhàn, được yêu mến nhờ việc trưng bày sách theo chủ đề liên quan đến chương trình học và các hoạt động hiện hữu trong trường. Điển hình như, với chủ đề mừng Ngày Quốc tế Phụ Nữ, thư viện Trung học đã có khu vực trưng bày vô cùng ấn tượng với những cuốn sách có nội dung về bình đẳng giới, về các nhà khoa học nữ có sức ảnh hưởng hoặc những tác phẩm văn học của các nữ nhà văn nổi tiếng. Với mỗi không gian trưng bày đặc sắc của mình, các cô đã thành công thu hút sự chú ý của cộng đồng nhà trường đối với các sự kiện hoặc các ngày lễ kỷ niệm trong năm cũng như giới thiệu những nguồn sách đang có trong thư viện để phục vụ cho từng phong cách và sở thích đọc sách khác nhau.
Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của đội ngũ giáo viên thư viện, những sự lựa chọn sách thông minh đi cùng với việc bày trí và sắp xếp tinh tế theo chủ đề chữ T, khu vực thư viện không chỉ thu hút được học sinh mà còn gây được ấn tượng mạnh đối với các giáo viên quốc tế khiến họ không thể không dạo quanh những tủ sách hoặc chụp những tấm ảnh đẹp cùng với khung cảnh thư viện làm nền ở phía sau. Cũng chính những điều này đã cho thấy được tại sao thư viện lại là một trong những điểm ghé chân nổi tiếng nhất trong khuôn viên nhà trường. Ai nói thư viện là nơi nhàm chán nhỉ?
Tiếp tục đấu tranh với định kiến cho rằng thư viện là một nơi tầm thường, cô Catalina ủng hộ quan điểm hiện đại mang tính toàn cầu rằng thư viện là một không gian học tập chung và là nơi khơi nguồn cho sự sáng tạo của học sinh. Để làm rõ điều này, học sinh có quyền tạo ra không gian để thực hiện bất kỳ hoạt động nào mà các em muốn một cách linh hoạt, từ đọc sách, tự học, cho đến thảo luận nhóm và quay video cho các dự án lớp học. Không nghi ngờ gì, điều này bao gồm từ việc tiếp thu kiến thức thụ động cho đến áp dụng những gì các em đã lĩnh hội được vào việc tạo ra sản phẩm và giải quyết vấn đề.
Học sinh cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong việc định hình kho tàng sách của thư viện, điều đó thể hiện rõ ở việc đội ngũ giáo viên thư viện luôn tìm kiếm, ghi nhận những phản hồi của các em về những xu hướng đọc sách mới cũng như các chủ đề, nội dung nhạy cảm liên quan đến văn hóa vùng miền. Học sinh chính là những người hợp tác tuyệt vời nhất trong chương trình cải tiến thư viện trở thành một nơi lý tưởng cho cộng đồng nhà trường.
Không gian theo phong cách thiết kế hiện đại chính là yếu tố chủ đạo khi bàn xung quanh về vấn đề tầm nhìn phát triển của thư viện.
Sự Phát Triển Của Thư Viện
“Thư viện số chính là bước đi đầu tiên.” Cô Catalina trải lòng về kế hoạch tương lai. Hiện tại, với vị thế là một ngôi trường còn trẻ, chúng tôi đặt mục tiêu trước mắt trên hết là cung cấp cho học sinh những kiến thức nền tảng cơ bản về dịch vụ thư viện. Sau khi nắm bắt được những thông tin này, các em có thể tự nâng cấp bản thân cho đến khi có thể tự do điều chỉnh cơ sở dữ liệu thư viện cả về phương diện vật lý lẫn kỹ thuật số.
Tuy nhiên, khi nói đến sự tiến bộ của thư viện, định hướng của cô Catalina cho thấy rõ sự chú trọng vào việc nâng cao thành tích và sự phát triển của học sinh hơn là những yếu tố về cơ sở vật chất và kiến trúc của thư viện. “Mục tiêu của chúng tôi là học sinh trở thành những người lĩnh hội, những người chia sẻ và những người tạo ra thông tin có trách nhiệm.” Điều đó có nghĩa là, các em sẽ học cách sàng lọc và chia sẻ thông tin thực tế một cách trung thực để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn. Kỹ năng này là đặc biệt quan trọng trong thời đại tràn lan thông tin giả và thông tin sai lệch như hiện nay.
Xu hướng hướng tới một thư viện kỹ thuật số cũng cho thấy được tinh thần của phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm của nhà trường. Với mục tiêu giáo dục học sinh trở thành những người có tư duy phản biện và những người dùng có hiểu biết, đội ngũ giáo viên thư viện luôn cố gắng đăng ký sử dụng nhiều nền tảng cơ sở dữ liệu điện tử uy tín, đáng tin cậy nhất có thể như Emerald, JSTOR, EBSCO và Science Direct. Hành động bổ sung này giúp các em học sinh có thể làm quen với những nền tảng cơ sở dữ liệu đang được sử dụng bởi hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới và từ đó tối đa hóa trải nghiệm học tập và nghiên cứu của các em theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh việc sử dụng các nguồn tài nguyên nêu trên, học sinh có thể tham dự các buổi hội thảo và các buổi đào tạo khác nhau để xây dựng các kỹ năng như diễn giải, đạo văn và quyền công dân kỹ thuật số, tất cả những điều này đều đem đến nhiều lợi ích cho các em khi xét đến bối cảnh ngoài khu vực thư viện.
Món Quà Tuyệt Vời Nhất Đối Với Một Giáo Viên Thư Viện
Sau một năm làm giáo viên thư viện tại trường, cô Catalina nhận ra rằng để khơi dậy niềm yêu thích đọc sách ở học sinh đòi hỏi cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, và vì vậy, khi học sinh cuối cùng cũng thể hiện niềm đam mê dành cho việc đọc sách và học hỏi, thì đó chính là sự viên mãn lớn nhất đối với các giáo viên thư viện. “Không có niềm vui nào sánh bằng việc nhìn thấy học sinh hào hứng đến thư viện.”
“Không chỉ ở trường học; có rất nhiều điều mà các em học sinh có thể học hỏi được từ cuộc sống. Chúng tôi rất vui khi có thể gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều học sinh mới trong thư viện mỗi ngày, mỗi năm học. Và rồi, sẽ đến lượt chúng tôi trở thành những người học, tự điều chỉnh bản thân và chương trình đọc sách của mình để chào đón mỗi sự khởi đầu mới này. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi yêu thích những gì chúng tôi đang làm. Điều duy nhất trường tồn trên thế giới này chính là sự thay đổi, và công việc của chúng tôi chắc chắn chưa bao giờ ngừng đổi thay.”
Để biết thêm thông tin chi tiết về đội ngũ giáo viên quốc tế và chương trình học, quý phụ huynh học sinh xin vui lòng liên hệ Tuyển sinh qua số Hotline 0932 083 886 hoặc để lại thông tin theo đơn dưới đây.